Phương Pháp Hành Sự Của Thầy Phong Thủy
Thuật đông y không bao giờ bốc thuốc cho đúng liều lượng của căn bệnh, mà luôn nới nhẹ tay thuốc, thà rằng ít hơn một chút, nhẹ hơn một chút , rồi sẽ có dịp thuận tiện bổ sung sau. Còn hơn là bốc thuốc quá liều rồi bị sốc sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Đó là phương pháp hành sự của thầy phong thủy.
Lời giáo huấn thượng thừa của tổ nghiệp cho hậu học là các thầy phong thủy mặc nhiên được ấn chứng là thủ kho giữ gìn các long mạch sinh phần cho trời đất. Đó là sứ mệnh thiêng liêng của trời. Ngày xưa nếu vua là thiên tử thay trời hành đạo thống lĩnh thiên hạ – thì phong thủy cũng là thiên tử giữ gìn và bảo quản mệnh mạch cho trời.
Trong trời đất : đại mạch có, tiểu mạch có, trung mạch cũng đều có và không phải tùy tiện muốn chỉ điểm cho gia tộc nào thì cho. Giả dụ như ta có ký phân ure chăm bón cho cây xoài, cây mít thì các cây này sẽ nạp thụ một cách sung mãn.
Nhưng với ký phân ure này đem bón cho mớ rau bụi hành thì làm sao sống nổi. Vì vậy khi yêu cầu chỉ điểm cho gia tộc nào , phong thủy cũng đều phải cân nhắc cho kỹ lưỡng có nên cho đại mạch, trung mạch hay tiểu mạch.
Bao giờ cũng vậy, người thân chủ hay có lòng tham, muốn phong thủy cho đại mạch thật to thật tốt, việc cho và nhận này không còn là ý thầy, mà là ý trời và gia tộc quý vị thân chủ có đầy đủ điều kiện âm đức để mà nạp thụ hay không đó mới là yếu tố quyết định. Ngay cả bản thân thầy phong thủy, tổ nghiệp còn bắt buộc tuyên thệ 12 điều – trong đó 2 điều tuyên thệ tối hậu:
1 – Không được phép chỉ điểm long mạch sinh phần để an tang tứ thân phụ mẫu và bà con tộc họ
2 – Không được phép truyền thừa phong thủy cho con cháu trong gia tộc 3 đời.
Chừng đó cũng đủ thấy tổ nghiệp phong thủy nghiêm khắc với hậu duệ của mình thế nào. Tổ nghiệp suy luận rằng thầy phong thủy là thủ kho giữ gìn sinh mạch của trời đất, mà nếu được phép thì cứ tùy tiện đem ra cho cả dòng họ nhà mình thì còn gì là chính truyền.
Do đó, từ ngàn xưa cổ nhân đã quan niệm ”tích kim dĩ vị tử tôn , tử tôn vị tất năng thủ- tích thư dĩ vị tử tôn, tử tôn vị tất năng đọc- bất như tích âm đức ư minh minh chi trung dĩ vi tử tôn trường cửu chi kế” Nghĩa là để lại kho tàng châu báu, chưa chắc con cháu đã dùng được- để lại sách vở thiên kinh vạn quyển, chưa chắc con cháu đã đọc được – nhưng để lại âm đức cho con cháu được thụ hưởng phước báu đời đời…