Công Dụng Của KINH DỊCH Là Gì?
Công Dụng Của KINH DỊCH Là Gì?
Phù Dịch khai vật thành vụ. Mạo thiên hạ chi đạo. Như tư nhi dĩ giả dã. Thị cố thánh nhân dĩ thông thiên hạ chi chí. Dĩ định thiên hạ chi nghiệp. Dĩ đoán thiên hạ chi nghi.
Tiết 1
Dạy rằng: Dịch để mà chi?
Dịch soi vạn vật, vân vi gót đầu.
Thành toàn mọi việc trước sau,
Lối đường thiên hạ, quán thâu mọi bề.
Ấy là nguyên ủy, đoan nghê,
Ngoài ra Kinh Dịch, chẳng chi dông dài.
Cho người biết lý tưởng đời.
Cho người định được cơ ngơi công trình.
Cho người khỏi hết nghi tình.
Nỗi niềm Hiền Thánh phân minh giãi bầy.
Tiết 1 này cho biết công dụng của Dịch:
* Dịch cho biết công dụng của mọi vật.
* Dịch giúp ta thành toàn mọi việc.
* Dịch bao trùm mọi đường lối trong thiên hạ.
Thánh nhân dùng Dịch giúp cho ý chí con người được thông suốt, xác định mọi hoạt động con người, và dẹp tan hết mọi điều nghi ngờ trong thiên hạ. Sở dĩ được như vậy, là vì Dịch dạy ta:
* Các định luật thiên nhiên
* Các định luật biến dịch.
* Các cách thức giải quyết khó khăn.
Tiết 2
Thi thời thần diệu vần xoay.
Quẻ thời đứng đắn, lại đầy khôn ngoan.
Sáu Hào biến hóa luận bàn.
Muôn nghìn chi Tiết, bảo ban tận tình.
Thánh nhân cố giữ lòng thanh,
Lui về ẩn đáy lòng mình mới thôi.
Tuy nhiên, hung cát trên đời,
Vẫn cùng thiên hạ chia phôi bao nài.
Dùng thần, trông tỏ tương lai,
Tiềm tàng trong trí, muôn đời xa xưa.
Thông minh, chẳng có bến bờ.
Thần oai lẫm liệt, ai so được nào.
Thánh Hiền thiên cổ hay sao.
Thông minh, duệ trí, dạt dào thần uy.
Cỏ thi mình tròn (tượng trưng Trời) và linh. Số của cỏ thi là 7 x 7 = 49. Các quẻ thời vuông tượng trưng Đất. Số của các quẻ là 8 x 8 = 64. Các quẻ tượng trưng cho các loại hoàn cảnh. Các Hào thời biến động (số của các Hào là 6 =Âm, và 9 = Dương ), để chỉ dẫn cho ta, và giúp ta dẹp được các mối nghi ngờ.
Thánh nhân dùng Dịch để hồi quang quán chiếu, thực hiện bản tính, bản thể của mình, dạy người cho biết đâu là lành, dữ. Thánh nhân tri lai, tàng vãng, siêu việt, không ai sánh kịp. Thánh nhân xưa thật là thông minh, duệ trí, và có một sức mạnh tinh thần hết sức lớn lao.
Tiết 3
Đạo Trời thấu suốt huyền vi.
Xét dân, tìm hiểu chi ly sự tình.
Bày ra thần vật huyền linh,
Cho dân xử dụng công trình mấy mươi.
Thánh nhân trai giới, thảnh thơi.
Cho lòng chiếu diệu, sáng ngời thần minh.
Thánh nhân thấu rõ các định luật của Trời đất, và những nhu cầu của chúng dân. Các ngài trai giới, tập trung tinh thần để thần thánh hóa mình.
Tiết 4
Kiền, Khôn mở đóng đã đành,
Mở ra, đóng lại, mới thành biến thiên.
Đạo trời lai, vãng vô biên,
Đã sinh hiện tượng, lại thêm hình hài.
Bày ra pháp độ trong ngoài.
Cho dân xuất nhập, tới lui phỉ nguyền.
Dân đem dùng khắp mọi miền,
Thực là thần diệu, diệu huyền biết bao.
Dịch chung qui chỉ có động tĩnh như 2 cánh cửa Kiền, Khôn lúc đóng, lúc mở. Đóng là Khôn, mở là Kiền. Có đóng, có mở nên mới sinh biến hóa. Có qua, có lại, nên mới thông suốt, không bị đình trệ, bế tắc.
Thế giới này được hình hiện một cách tuần tự.
*Mới đầu vừa thoạt hiện ra, gọi là Tượng.
*Khi đã có hình thù, thời gọi là Khí, là Vật
*Dạy cho biết cách xử dụng, điều khiển các vật, đó là phương pháp, đường lối.
* Giúp cho chúng dân, đều theo đó mà hoạt động, ứng dụng nên gọi đó là Thần.
Tiết 5
Dịch là Thái Cực tối cao.
Lưỡng nghi, Tứ tượng, trước sau phân trình.
Tượng sinh, rồi Tám Quẻ sinh.
Tiết này cho rằng vạn vật, vạn Tượng cũng như Hào quái đều phát sinh từ một nguồn gốc duy nhất, ấy là Thái Cực. Vương Bật bình rằng: Hữu ắt sinh từ Vô, vì thế mà Thái Cực sinh Lưỡng nghi. Thái Cực là danh xưng của Vô. Đó là một danh từ bất đắc dĩ. Vì thấy mọi sự đều có cực điểm, nên gọi là Thái Cực.
Tiết 6
Có nay Bát quái, mới rành cát hung.
Sự đời lành, dữ, cùng thông.
Giúp cho đại nghiệp, nên công thành toàn.
Có Bát quái, nên định được lành, dữ, hay, dở. Biết được lành, dữ, hay, dở, nên có thể lập được đại công, đại nghiệp.
Tiết 7
Đất trời thùy tượng bảo ban.
Bốn mùa bầy nhẽ siêu phàm, biến thông.
Thái Dương cùng với bóng Hằng,
Tượng trưng rực rỡ, huy quang sáng ngời.
Nhìn xem phú quí trong đời,
Tấm gương cao đại như soi tâm thần.
Chế ra vật dụng cho dân.
Tha hồ xử dụng, thêm phần tiện nghi.
Thi, Qui cao đại khôn bì,
Phanh phui bí ẩn, huyền vi mọi đời.
Thẳm sâu, cũng gợi, cũng lôi.
Xa xăm, cũng vút tới nơi mới là.
Cát, hung, đoán định không ngoa.
Làm cho thiên hạ thiết tha công trình.
– Cung cấp cho ta hiện tượng, không gì hơn Trời Đất.
– Biến thông không gì hơn bốn mùa.
– Trong các hiện tượng trên khung trời, không gì sáng láng hơn mặt trời, mặt trăng.
– Không ai được sùng thượng hơn kẻ giầu sang.
– Sáng chế ra dụng cụ, khiến ta xử dụng được các vật, không ai hơn Thánh nhân.
– Khám phá ra những điều bí ẩn, moi móc ra những điều sâu nhiệm, đạt tới được những điều xa xôi, định cát hung cho thiên hạ, khuyến khích được thiên hạ, không gì hơn Thi, Qui.
Tiết 8
Cho nên thần vật trời sinh.
Thánh nhân quan sát, mặc tình phỏng theo.
Đất trời biến hoá trăm chiều,
Thánh nhân bắt chước khinh phiêu muôn bề,
Treo gương Trời dạy vân vi,
Thánh nhân theo dõi, đúng y như Trời.
Đồ Thư, Hà Lạc đôi nơi.
Thánh nhân học hỏi, theo đòi như in.
Thánh nhân làm ra Dịch đều khuôn theo Trời đất.
-Trời sinh các hiện tượng tự nhiên. Thánh nhân bắt chước lập ra Quẻ.
-Trời đất biến hóa, Thánh nhân bắt chước lập ra Hào.
-Thiên tượng cho biết điềm Trời hay, dở. Thánh nhân bắt chước phụ thêm lời vào Hào, Quẻ để cho biết hay, dở.
– Sông Hoàng Hà cho Hà đồ, sông Lạc cho Lạc thư, Thánh nhân cũng bắt chước mà lập ra Bát quái, Cửu trù.
Tiết 9
Dịch kinh Tứ tượng nêu lên,
Cốt là dạy, vẽ cho nên gót đầu.
Thêm lời răn bảo, trước sau.
Định hung, định cát, còn đâu nghi ngờ.
Dịch có Tượng, để cho ta thấy rõ các hoàn cảnh trong đời. Có Từ, để bảo ban ta đường lối cư xử, lại đoán định được dở, hay tùy từng trường hợp.