Gậy Thần và Sách Ước là gì?
Gậy Thần – Sách Ước tượng trưng cho vũ trụ quan vô nguyên (Sách Ước) và nhân sinh quan nhân bản, xã hội quan bình đẳng tự do (Gậy Thần). Gậy Thần – Sách Ước là thông điệp hàm chứa những tinh hoa của triết lý sống trong nền minh triết Việt qua tiến trình thể hiện con đường sống của dân tộc (Nhân Đạo), tạo điều kiện thuận lợi để thăng hoa cuộc sống và con người theo chiều kích phát triển tình thường và trí tuệ, với định hướng con người tương thông với thiên nhiên: hòa cùng vũ trụ.
Mặc dù có một số chi tiết dị biệt không thể tránh khi câu chuyện được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng cốt lõi của truyện Gậy Thần – Sách Ước không thay đổi. Nhờ thế, chúng ta có thể tìm hiểu được những ý nghĩa ẩn tàng trong thông điệp mà tổ tiên muốn truyền lại cho con cháu.
Kỳ Mạng (hay Nguyễn Tuấn) theo nghề cha, ngày ngày vác rìu vào rừng đốn củi nuôi mẹ. Một hôm, Kỳ Mạng cố gắng đốn một cây đại thọ. Cây quá to, chặt từ sáng đến chiều mà vẫn chẳng hạ được, đành bỏ dở ra về. Sáng hôm sau trở vào rừng, Kỳ Mạng hết sức ngạc nhiên khi thấy những vết chặt đã dính liền lại khắp thân cây. Kỳ Mạng lại xách rìu chặt nữa, cố hết sức suốt ngày mà cũng không hạ được cây. Ngày thứ hai trở lại cũng thấy thân cây vẫn còn nguyên vẹn như chưa hề bị chặt bao giờ. Không nản chí, Kỳ Mạng lại ra công chặt nữa, quyết hạ cho kỳ được nhưng cũng không xong. Đến tối Kỳ Mạng quyết định ở lại, nấp gần cây để rình xem chuyện gì đã xảy ra khiến thân cây bị chặt lại liền lại như hai ngày qua.
Vào khoảng nửa đêm, Kỳ Mạng thấy một bà lão hiện ra, tay cầm gậy chỉ vào thân cây, đi một vòng quanh cây, tự nhiên những vết chặt liền lại như chưa hề bị chặt bao giờ. Kỳ Mạng nhảy ra khỏi chỗ nấp và hỏi bà lão vì sao lại phá công việc làm ăn của mình.
“Ta là thần Thái Bạch, ta không muốn cây này bị chặt vì đây là chỗ nghĩ ngơi của ta”. Bà lão trả lời.
“Nhưng… không chặt được cây thì tôi lấy gì nuôi mẹ già?” Nghe được lời nói chí tình chí hiếu của Kỳ Mạng, thần Thái Bạch trao cho chàng cây gậy: “Cây gậy này có chín đốt, một đầu Sanh, một đầu Tử. Chỉ đầu Tử thì sống thành chết. Chỉ đầu Sanh thì chết thành sống”.
Nhờ gậy thần, đời sống của mẹ con Kỳ Mạng có phần dễ chịu và chàng đem báu vật ra cứu giúp mọi người. Một hôm, đang đi chơi, Kỳ Mạng gặp xác một con rắn nước bị trẻ chăn trâu đập chết vứt bỏ ở bờ sông, chàng liền dùng gậy thần cứu con rắn sống lại.
Vài ngày sau có một người lạ tới tự xưng là Tiểu Long Hầu, con của Lạc Long Quân, đem nhiều châu báu tạ ơn Kỳ Mạng đã cứu sống mình hôm rồi, nhân lúc đi chơi bị trẻ chăn trâu đánh chết. Sau đó, Tiểu Long Hầu mời chàng xuống chơi thủy phủ. Kỳ Mạng nhận lời theo Tiểu Long Hầu rẽ nước xuống đáy biển. Tại đây, Lạc Long Quân bày yến tiệc tiếp đãi chàng nồng hậu và dẫn chàng đi thăm khắp thủy giới. Khi tiễn chàng ra về, Lạc Long Quân biếu Kỳ Mạng một quyển sách ước. Sách có ba trang bằng da mà không có chữ. Mở sách ước ra, cầu ước bất cứ việc gì cũng đều thực hiện được cả.
Kỳ Mạng dùng Gậy Thần và Sách Ước giúp vua trị nước, an dân. Khi đất nước được thanh bình thịnh trị, Kỳ Mạng từ chối mọi tước phong vua Hùng ban cho, lui về sống ẩn dật trên núi Tản Viên với một tâm hồn thơi thới, an nhiên tự tại, không màng công danh phú qúy.
Nhớ ơn Nguyễn Tuấn, người dân đã thần hóa chàng là Thánh Tản Viên để tôn thờ công đức của Ngài.
Phải chăng truyện Gậy Thần – Sách Ước là thông điệp nói lên tinh hoa của tư tưởng Việt, cảm nhận lẽ Âm Dương tận cội nguồn từ Thiên Thư Vô Ngôn của Trời Đất chuyển tải vào nếp sống của người dân. Nguyễn Tuấn là một người dân lao động như mọi người dân khác. Chúng ta thử tìm hiểu và phân tích xem câu chuyện gói ghém và muốn chuyên chở điều gì đến các thế hệ mai sau.
I. Ý nghĩa của GẬY THẦN
1. Sống là phải làm việc
Đốn củi suốt ngày, ngày này sang ngày khác mà không nản chí nói lên quan niệm sống của người dân Việt: sống là phải làm việc, không thể nằm chờ sung rụng vào miệng, cũng không thể ngồi ở nhà cầu nguyện mà có thức ăn, vải mặc:
Có khó mới có miếng ăn, Không dưng ai dễ đem phần đến cho.
2. Thực tại là tiêu chuẩn của chân lý
Những vấn nạn của con người chỉ có con người tự hóa giải chứ không ai ngoài con người có thể giải quyết hộ được. Kinh nghiệm sống lâu đời trong nền văn hóa nông nghiệp đã giúp nông dân Việt biết nhìn vào đời sống thực tiễn để tìm ra chân lí của vấn đề, tìm ra chân lí của cuộc sống hầu giải quyết những khó khăn gặp phải:
Ai ơi ghi nhớ lấy lời, Trông cơ trời đất liệu thời làm ăn
Nói cách khác, theo ngôn từ triết học, với óc thực tiễn, nông dân Việt lấy thực tại làm tiêu chuẩn của chân lí chứ không chấp chặt vào bất cứ hệ thống giáo điều, hay hệ thống triết học, hoặc một khuôn mẫu đạo đức nào cả. Hình ảnh Nguyễn Tuấn nấp sau thân cây gần đó để “xem chuyện gì đã xảy ra” là hình ảnh con người “nhìn vào đời sống thực tiễn” để tìm ra sự thật của vấn đề, tìm ra chân lý của cuộc sống.
Chân lý luôn hiện hữu trong đời sống, trong chính con người mình. Con người chỉ cần để tâm học hỏi thì sẽ hiểu biết. Ông cha ta đã dạy: trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một lần trải qua.
3. Biết thì sống
“Được gậy thần thì sống” ý muốn nói “biết thì sống”. Sau khi Nguyễn Tuấn rình xem chuyện gì đã xảy ra; biết rõ sự thật của vấn đề trong ý nghĩa được bà lão trao cho gậy thần. Gậy Thần là biểu tượng cho “sự hiểu biết” chân lý của cuộc sống, biết luật tắc của vũ trụ, vạn vật, biết mọi vật, mọi hiện tượng, mọi trạng thái luôn luôn biến đổi theo quy luật của từng loại. Đó là lẽ cùng thông, biến hóa, cát hung, tức đạo sinh tồn, phát triển, biến hóa của thiên nhiên vạn vật cùng con người.
Biết là công cụ của cuộc sống. Mức độ phát triển và thăng hoa của cuộc sống cũng như của con người tuỳ thuộc vào sự hiểu biết. Biết với làm hợp nhất. Cái biết lãnh đạo cái làm, mà làm là đem cái biết thể nghiệm vào đời sống. Làm để biết, biết để làm, làm để sáng tỏ cái biết và để tu chỉnh cái biết cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi thời đại.
Có thể nói một cách ngắn gọn: “Khôn cũng chết. Dại cũng chết, Biết thì sống.”
Chẳng hạn, nuôi tằm thì phải biết chu kỳ sinh trưởng của loài tằm để biết lúc nào cần gỡ tơ trong kén. Nếu để đến khi con tằm cắn kén chui ra ngoài thành bướm thì tơ đã đứt, không dùng để dệt vải được.
Kinh nghiệm sống thực tế đã giúp cho nông dân Việt ý thức được rằng phải biết tuỳ thời, tuỳ chỗ, tuỳ việc, tuỳ người mà ứng xử, hành động thì mới đem lại kết quả tốt đẹp:
Đắc thời, đắc thế thì khôn, Sa cơ Rồng cũng như giun, khác nào.
hoặc:
Tháng chạp là tháng trồng khoai, Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà, Tháng ba cày vỡ ruộng ra, Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng…
Nông dân Việt biết cây lúa không phải tự nhiên mà có, cũng không phải do ai ban phát, mà phải do có hạt giống tốt. Hạt giống chịu ảnh hưởng của thời tiết, nước, ánh sáng, độ ẩm… để nẩy mầm. Muốn cây lúa phát triển tốt tươi thì phải có đủ nước, đủ phân bón và sức lao động của nông dân như: nhổ cỏ dại, diệt sâu bọ, bón phân, thêm nước hoặc bớt nước… Nói theo thuật ngữ của Phật Giáo thì mọi vật, mọi hiện tượng, mọi trạng thái đều do duyên sinh.
Chính sự hiểu biết qua thực tế sống trong nền văn hóa nông nghiệp đã làm nảy nở và phát triển tinh thần hợp tác đồng lao và phân công hợp tác để tăng năng suất lao động, để việc cày cấy gặt hái kịp thời vụ. Dần dần, tinh thần hợp tác đồng lao kể trên trở thành nếp sống truyền thống tương thân tương trợ của nông dân Việt. Chính tinh thần hợp tác đồng lao với nếp sống tương thân tương trợ đã tạo nên cung cách ứng xử tương nhượng, “coi nhau như bát nước đầy là hơn”, “hòa cả làng”. Trong bầu không khí xóm làng an vui với ruộng vườn xanh tươi, cây trái bốn mùa, tính hiếu hòa đã nảy nở trong tâm hồn nông dân Việt. Những yếu tính đó dần dần hòa quyện vào dòng tâm thức dân tộc, phản ảnh trở lại nếp sống dân tộc, trở thành bản sắc đặc thù của người nông dân Việt.
Nhờ nếp sống thích nghi với thiên nhiên để cày cấy, trồng trọt, chăn nuôi phát triển, nên cuộc sống của nông dân Việt được ổn định, tâm hồn bình thản (Tiên) nhưng rất linh hoạt (Rồng). Vì thế, tính tình nông dân Việt trở nên trung hậu, chất phác, hòa vui.
Từ cách nghĩ đó, cách ứng xử đó và nếp sống trong nền văn hóa nông nghiệp đã giúp cha ông chúng ta sớm ý thức liên hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên là liên hệ hài hòa.
Trong khi trồng trọt hoa màu như bầu, bí v.v… nông dân Việt biết rằng cây phải có hoa đực, hoa cái thì mới kết thành trái. Trong chăn nuôi phải có đực – cái, trống – mái thì mới có sinh sản truyền giống.
HỌC KINH DỊCH
3 NGÀY
Biết dịch là thông thiên hạ.
Biết lượng thiên xích là thông hết mọi điều.
Biết kỳ môn là thâu tóm mọi vật trong thiên hạ.
Biết phong thủy là cải số cả dòng họ.
Biết y thuật chữa được mọi bệnh tật.
Từ những cặp cụ thể và thực tế như đực – cái, trống – mái, ngày – đêm, nắng – mưa, ủng – hạn, đúng – sai…, nông dân Việt đã ý thức được vô số những cặp đối lập khác trong mọi lãnh vực sống. Sau đó dùng hai từ Âm và Dương, Tiên và Rồng để chỉ hai mặt đối lập của một thực tại.
Trong thiên nhiên, mặc dù hai yếu tố âm dương ở vị thế đối lập nhưng luôn luôn hỗ trợ lẫn nhau, tương hòa để cùng tồn tại và phát triển. Nói cách khác, tuy đối lập, hai yếu tố âm dương cần thống nhất hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau để vạn vật sinh thành.
Trong xã hội loài người, hai yếu tố âm – dương chính là yếu tố Nam – Nữ. Tuy đối lập nhưng chính nhờ sự kết hợp nam nữ thành vợ chồng thì gia đình mới hình thành để có con cái nối dõi. Có vợ chồng mới có gia đình, xã hội, quốc gia dân tộc và nhân loại. Vợ chồng phải giúp đỡ lẫn nhau, biết chấp nhận dị biệt, thật sự tôn trọng nhau, tương nhượng, cởi mở, bao dung để mang lại hài hòa, an vui, hạnh phúc cho gia đình.
Nói theo ngôn từ triết học ngày nay, đó là đối lập thống nhất giữa hai mặt nam – nữ, vợ – chồng, cha – con, mình – người, già – trẻ, chủ – thợ, chính quyền – nhân dân v.v… trong xã hội loài người cũng như đối lập thống nhất giữa dương và âm trong thiên nhiên.
Như vậy, có thể nói hình ảnh Nguyễn Tuấn “đốn củi ngày này qua ngày khác, rình xem chuyện gì đã xảy ra, biết được sự thật của vấn đề thì được gậy thần” minh họa hình ảnh con người nhìn vào đời sống thực tiễn để tìm ra chân lý của vấn đề, của cuộc sống trong khi làm việc. Chân lý hiện hữu một cách chân thực trong đời sống và ở ngay bản thân mình. Con người chỉ cần để tâm học hỏi thì sẽ hiểu biết. “Biết – Làm – Sống”, “Sống – Làm – Biết” là kinh nghiệm sống của người Việt trong nền văn hóa nông nghiệp ổn định lâu đời.
Điểm độc đáo ở chỗ cha ông chúng ta có sáng kiến gói ghém những hiểu nghiệm sống trong nền văn minh nông nghiệp trong một biểu tượng đơn giản: thần tổ kép Tiên – Rồng. Những hiểu nghiệm sống đó lại được thể hiện dưới một hình thức khác cụ thể hơn, thực tế hơn, linh hoạthơn và rất người qua hình ảnh con người vận dụng gậy thần để mang lại an vui hạnh phúc cho con người.
4. Đầu sanh, Đầu tử
Trên thực tế, không có cây gậy nào là gậy thần. Gậy Thần trong câu truyện chỉ là biểu tượng cho sự hiểu biết lý đối lập thống nhất. Vận dụng Gậy Thần tượng trưng cho việc vận dụng sự hiểu biết, chuyển tải cái dụng của lẽ Âm Dương (Gậy Thần có đầu sanh đầu tử) vào đời sống.
Như trên đã trình bày, sau khi rình xem chuyện gì đã xảy ra, Nguyễn Tuấn biết rõ sự thật của vấn đề thì được bà lão trao cho gậy thần. Điều này ý muốn nói sau khi quan sát, nhìn thẳng vào thực tại, để tâm học hỏi và suy nghĩ thì sẽ hiểu biết chân lý của vấn đề, của cuộc sống.
Đầu Sanh biểu tượng cho dương, Rồng,… đầu Tử biểu tượng cho âm, Tiên… Như vậy, đầu Sanh, đầu Tử của Gậy Thần biểu tượng cho hai mặt của một thực tại: âm – dương, Tiên – Rồng, có – không, tốt – xấu, sống – chết, tình thương – hận thù, già – trẻ, bảo thủ – cấp tiến, mình – người, vợ – chồng, cha mẹ – con cái, vật chất – tinh thần…
Gậy Thần biểu tượng cho sự thống nhất hài hòa hai mặt đối lập của một thực tại. Sống gần thiên nhiên, người xưa thường dùng nhiên giới để diễn tả tư tưởng dưới hình thức văn chương tượng trưng với những biểu tượng như nước (lạnh), lửa (nóng), sông (sâu), núi (cao), đất (thấp), trời (cao), tròn (động), vuông (tĩnh), dương (tốt), âm (xấu), v.v… Vì thế, khi dùng gậy thần có đầu sinh, đầu tử làm biểu tượng, tiền nhân Việt muốn diễn tả tư tưởng đối lập thống nhất, vượt mâu thuẫn đối nghịch để đi đến thống nhất hài hòa. Tất cả mâu thuẫn, đối nghịch đều bao hàm trong cái toàn thể, cái một được biểu tượng bằng Gậy Thần.
5. Vận dụng Gậy Thần
Nhờ vận dụng Gậy Thần, chính là nhờ vận dụng sự hiểu biết, đời sống của mẹ con Nguyễn Tuấn dễ chịu hơn và chàng mang “báu vật” ra cứu giúp mọi người. Điều này nói lên ý nghĩa vận dụng sự hiểu biết để cải thiện đời sống, mang lại an vui hạnh phúc cho mình và người. Hình ảnh này làm nổi bật vai trò chủ động của con người trong cuộc sống. Ngôn từ ngày nay gọi la tinh thần nhân chủ.
Hiếm tháy và chưa có một nền đạo học nào trên thế giới diễn đạt được nhân sinh quan “Trời – Người – Đất” cùng một thể một cách ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa tinh thần nhân chủ trong triết lý sống của nền văn hóa trồng lúa nước qua bài thơ của Trần Cao Vân:
Trời Đất sinh Ta có ý không, Chưa sinh Trời Đất có Ta trong. Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh, Trời Đất in Ta một chữ đồng. Đất nứt Ta ra Trời chuyển động Ta thay Trời mở Đất mênh mông. Trời che Đất chở Ta thong thả Trời Đất Ta đây đủ hóa công. Một khi con người khám phá và thấu hiểu luật tắc thiên nhiên rồi vận dụng sự hiểu biết đó vào đời sống hằng ngày thì xấu – tốt, đau khổ – hạnh phúc, thương yêu – thù hận, hòa bình – chiến tranh… chỉ ở nơi con người chứ không nằm trong thiên mệnh hay bất cứ nơi nào khác.
Con người là chủ nhân của chính mình, không có một thực thể nào từ trên cao định đoạt số phận con người. Con người chủ động gánh lấy trách nhiệm về hành vi, lời nói, cũng như ý nghĩ của mình. Đời sống con người vui tươi, hạnh phúc hay buồn bã, đau khổ do chính con người quyết định và tạo lập lấy. Vai trò con người rất quan trọng trong đời sống; không có con người thì không có gia đình, xã hội, chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa và cũng không có cả tôn giáo….
Hình ảnh Nguyễn Tuấn vận dụng Gậy Thần để cải thiện đời sống của mình và người minh họa việc con người làm chủ bản thân và xã hội. Điều này cho thấy tổ tiên Việt đã vạch cho con cháu hướng đi lâu dài, vượt thời gian lẫn không gian: con đường nhân chủ.
6. Tình thương không phân biệt
Hình ảnh Kỳ Mạng dùng Gậy Thần cứu con rắn sống lại biểu tượng cho tình thương được mở rộng đến muôn loài: tình thương không phân biệt, tình thương không mang nhãn hiệu.
Một khi thấu hiểu được rằng mình và người tuy hai mà một: trong ta có người, trong người có ta, “ghét người mình lại hóa ra ghét mình”, thì không còn phân biệt mà chỉ còn “lá lành đùm lá rách” để rồi đạt đến trạng thái hòa mình với người, tình thương trở thành đạo lý của người Việt: “thương người như thể thương thân”.
Chỉ có con người với trí tuệ và tình thương hồn nhiên trong sáng mới có thể vận dụng được lý đối lập thống nhất để hóa giải một cách hợp tình hợp lý những dị biệt, mâu thuẫn ở nội tâm, trong gia đình và ngoài xã hội?
7. Gậy Thần có 9 đốt
Tại sao Gậy Thần lại có 9 đốt mà không phải là 7 đốt, hay 8 hoặc 10 đốt? Phải chăng “9 đốt” trên gậy thần có ý nhắc nhở con cháu nhớ lại chín nguyên số từ 1 đến 9 trong Lạc Thư:
Số 9 là số cực dương (1, 3, 5, 7, 9), đến 9 là đầy đủ, trọn vẹn, không cần phải thêm nữa vì nếu tiếp tục nữa thì sẽ đi đến vô cùng tận mà hiện nay toán học gọi đó là chuỗi số nguyên thiên nhiên đi đến vô cực.
Công dụng của Lạc Thư rất đa dạng, nhất là khi áp dụng vào khoa học thực nghiệm như y học, toán học, tổ chức chính trị, nguyên tác phân chia đất đai, v.v… Có thể nói một cách ngắn gọn Lạc Thư là biểu tượng cho thế giới vật chất: đạo xử thế.
Trong Lạc Thư, các con số cộng lại theo hàng ngang (4+9+2 = 3+5+7 = 8+1+6 = 15), hàng dọc (4+3+8 = 9+5+1 = 2+7+6 = 15) hoặc hàng chéo (8+5+2 = 4+5+6 = 15) đều ra số 15
Hầu hết những con số trong huyền thoại của dân tộc Việt Nam đều là những huyền số bao hàm những nội dung vô cùng phong phú và sâu sắc.
Con số 15 trong 15 Bộ của nước Văn Lang, con số 18 trong 18 Chi của các vua Hùng, v.v… đều hàm ý nhắc nhở con cháu phải vận dụng lẽ cùng thông, biến hóa, cát hung; tức là đạo sinh tồn, phát triển, biến hoá của vụ trũ vạn vật cùng con người được gói ghém trong Lạc Thư để mang lại an vui hạnh phúc cho cuộc sống của con người. Đó chính là lý vận hành âm dương (Tiên – Rồng) và hệ quả đưa đến lý đối lập thống nhất.
Gậy Thần có 9 đốt tượng trưng cho 9 nguyên số từ 1 lên đến 9 hoặc từ 9 xuống 1. Khởi đi từ đầu nào, xuôi hoặc ngược, chúng ta thấy con số 5 không thay đổi vị trí:
Nắm được trục của Gậy Thần có nghĩa là biết vận dụng sự biến hóa của con số 5, tức là sự biến hóa của âm (2) và dương (3). Đó là lẽ sinh tồn, phát triển và biến hóa của vũ trụ vạn vật và con người. Số 5 là con số thể hiện âm dương hợp nhất (2+3 = 5). Nếu không có sự hợp nhất âm – dương nghĩa là không có con số 5 thì vạn vật không sanh. Không có số 5, không có hợp nhất âm (2) dương (3) thì vũ trụ sẽ không có gì cả. Con số 5 biểu tượng cho lý vận hành Âm Dương. Chính nhờ con số 5 mà sự biến hóa sẽ vô cùng vì nếu không, vạn vật sẽ bị cùng tận.
Số 5 là con số bất biến ứng vạn biến:
- Số 1 + 5 thành số 6
- Số 2 + 5 thành số 7
- Số 3 + 5 thành số 8
- Số 4 + 5 thành số 9
- Số 5 + 5 thành số 10.
Đó là bộ số của Hà Đồ, biểu tượng cho thế giới tâm linh. Còn Lạc Thư là biểu tượng cho thế giới vật chất.
Như vậy, nắm được trục Gậy Thần có nghĩa là thấu hiểu được lẽ biến hóa của số 5; tức lẽ biến hóa của âm (2) và dương (3), và cũng có nghĩa là thấu hiểu và biết vận dụng lý đối lập thống nhất (tác động hai chiều) vào nhân sinh để mang lại hạnh phúc an vui cho mọi người.
Như chúng ta đã biết, theo luật tác động hai chiều, tính động của âm dương luôn luôn có hai chiều: thuận và nghịch. Âm Dương luôn luôn biến chuyển theo hai chiều thuận – nghịch nên sự biến hóa sẽ vô tận, vô thủy vô chung. Mặt khác, mọi vật, mọi hiện tượng, mọi trạng thái cũng có hai mặt đối lập nhau nhưng không bao giờ rời hẳn nhau. Con số 18 biểu tượng cho hai mặt đối lập mà thống nhất: 9 x 2 = 18.
Ngoài ra, con số 18 còn biểu tượng cho cả không gian lẫn thời gian:
Khi dùng “Gậy đứng” để biểu tượng cho thời gian và “Gậy nằm” biểu tượng cho không gian thì vị trí của con số 5 cũng không thay đổi. Như vậy, khi gồm cả thời gian và không gian lại, chúng ta có con số 18 (9 + 9 = 18). Vì thế, con số 18 dính liền với nền minh triết Việt: 18 Chi của các vua Hùng, con ngựa của Phù Đổng Thiên Vương cao 18 thước, thành Cổ Loa có 18 ụ hỏa hồi, cái quạt có 18 chiếc nan, trống Đồng Sông Đà có 18 hình chim, v.v…
Mặt khác, Gậy Thần biểu tượng cho thế giới vật chất, khoa học, kỹ thuật còn Sách Ước biểu tượng cho thế giới tâm linh. Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là Tây Phương, Nhật Bản và Bắc Mỹ đang để hết tâm trí vào việc vận dụng Gậy Thần, tức KHKT. Nền KHKT cực kỳ biến ảo (Gậy Thần) này đã và đang biến cải sâu xa nếp sống vật chất khiến con người ngày càng đầy đủ vật chất hơn, đời sống ngày càng tiện nghi hơn nhưng lòng tham lam, tính ích kỷ, đố kỵ, hiếu chiến của con người vẫn không thay đổi. Tuy sống ấm no, tiện nghi đầy đủ, vật chất dư thừa, con người vẫn cảm thấy mệt mỏi, khắc khoải, lo âu, sợ hãi. Phải chăng con người đang mất quân bình giữa vật chất và tinh thần, giữa thân và tâm?
Chỉ lo bên ngoài mà quên mất bên trong, chỉ chạy theo đời sống vật chất mà bỏ quên đời sống tâm linh hoặc chỉ lo bên trong mà quên bên ngoài đều mất quân bình. Đối với nền minh triết Việt, có Gậy Thần đồng thời cũng có Sách Ước, không bỏ quên mặt nào. Nhờ thế con người mới tạo được sự quân bình để phát triển hài hòa trong mọi lãnh vực, mang lại an vui hạnh phúc cho mình và người.
II. Ý nghĩa của SÁCH ƯỚC
1. Đồ thư hợp nhất – đối lập thống nhất
Trên thực tế không có quyển sách nào gọi là Sách Ước. Phải chăng từ thời xa xưa, nhân tài nào đó đã áp dụng phép tính bằng những nút thắt trên sợi dây (phép kết thằng) nhằm ghi lại những hiểu nghiệm của nền văn hóa nông nghiệp? Dần dần, những nút thắt đó được cải tiến và khắc trên những vỏ sò lớn hoặc mai rùa để diễn tả lý vận hành của số chẵn (âm) và số lẻ (dương) mà người đời sau gọi tên là Hà Đồ.
Đến khi bắt đầu có sách vở, có chữ viết, Hà Đồ lại được đơn giản hóa bằng một quyển sách không có chữ viết, gọi là Sách Ước, để đại chúng hóa và để dễ nhớ, dễ truyền miệng nhưng khó bị tiêu hủy.
Hình ảnh Nguyễn Tuấn có cả Gậy Thần (Lạc Thư) lẫn Sách Ước (Hà Đồ) là hình ảnh con người thấu hiểu lý Đồ Thư hợp nhất. Đó cũng là hình ảnh con người biết vận dụng lý đối lập thống nhất vào nhân sinh để mang lại an vui thái hòa cho mọi người.
2. Tâm không phân biệt
Kỳ Mạng dùng gậy thần cứu con rắn sống lại biểu tượng rõ ràng tình thương không phân biệt, tình thương không mang nhãn hiệu (nhãn hiệu Phật giáo, nhãn hiệu Ki-tô giáo, nhãn hiệu Tin Lành, Hồi giáo, Do Thái giáo, v.v…) được mở rộng đến muôn loài. Đó là hình ảnh vô vị lợi với tâm không phân biệt mình, người, vật.
Kỳ Mạng được tặng quyển Sách Ước không có chữ viết biểu tượng con người ứng xử mọi việc với tấm lòng trong trắng như trang sách không có chữ, với tâm không phân biệt, không có định kiến và cố chấp.
3. “Cõi Trống” trong nền minh triết Việt
Mỗi nền văn hóa có những quan niệm và tiêu chuẩn để đánh giá khác nhau. Văn minh Trung Hoa và Hy Lạp thích đo bằng đầu óc triết lý. Văn minh Ấn Độ và Ai Cập chuộng sức mạnh tâm linh. Văn minh Âu Mỹ thích tìm tòi cái lạ, thích đề cao hiệu quả sản xuất, tôn thờ vật chất, chú trọng hình thức.
Nhiều người thắc mắc tại sao dân tộc Việt với hơn bốn ngàn năm văn hoá lại không xây dựng được cho mình một hệ thống triết học vững chãi, rõ ràng? Vì thế, họ ngộ nhận rằng dân tộc Việt không có gì đáng kể, chẳng để lại gì đồ sộ nguy nga về hình thức. Tuy nhiên, suy nghĩ cho sâu thì chính cái “không có gì” mới có khả năng dung nạp được tất cả, mới là cái thực sự đáng kể.
Có lẽ điểm đặc sắc, đặc thù của nền minh triết Việt là “biết trở thành cõi trống” trong tư tưởng. Tinh thần cõi trống trong tư tưởng Việt khác với chân không của Phật giáo, khác với vô cực của Lão giáo và khác với thái cực của Nho giáo. Hình ảnh con người vận dụng Sách Ước, biểu tượng cho cõi trống trong tư tưởng Việt, nói lên rõ ràng vai trò chủ động của con người trong cuộc sống. Cõi trống trong ý nghĩa lòng không dính mắc không làm cho chúng ta ngộ nhận là thoát ly ra khỏi cuộc sống thực tiễn, trốn tránh thực tại đi tìm “chân không” siêu hình.
Điều chúng ta cần phải làm ngay tại đây và bây giờ chính là vận dụng tinh thần cõi trống vào nhân sinh để tạo điều kiện thuận lợi cho sự thăng hoa của con người và cuộc sống.
Con đường nhân chủ chính là con đường thực tiễn, hợp tình hợp lý để có được cuộc sống hài hòa: hài hòa thân tâm để tạo điều kiện cho sự chuyển hóa tâm thức, hài hòa giữa người với người để chung sống hòa bình, hài hòa giữa người với thiên nhiên để con người tương thông với thiên nhiên, hòa cùng vũ trụ.
Dân tộc Việt vốn không tin vào những hệ thống tư tưởng lấn lướt này hoặc những lý thuyết quá khích nọ. Với đầu óc hồn nhiên và thực tế của người nông dân, họ tin vào sự sung túc và sự thăng hoa của đời sống, luôn luôn dai dẳng bám vào sức sống đó như cây tre bám vào bất cứ loại đất nào để tồn tại và phát triển. Lý tưởng của họ là tạo một nếp sống an nhàn, hài hòa, “hòa cả làng” trong tinh thần tương thân tương trợ “lá lành đùm lá rách” tràn đầy tình thương “thương người như thể thương thân” với niềm vui đơn sơ và bình dị của con người. Tâm hồn người Việt có thể tóm gọn vào hai chữ TÌNH NGƯỜI.
Nhờ tính không chấp trước khiến tư tưởng và lòng người Việt trở thành cõi trống bao la như biển cả để có thể dung nạp mọi dòng nước dù dơ hay sạch đều có thể hòa chung thành một cõi bao la, rồi bốc hơi thành mây tạo nên những trận mưa đem lại sự sống cho muôn loài.
Chính vì biết trở thành cõi trống trong tư tưởng, không cố chấp vào bất cứ điều gì mà tất cả những luồng tư tưởng của mọi nền triết học hay đạo học, bất kể xuất xứ từ đâu, Ấn Độ hay Trung Hoa hoặc Tây Phương, v.v… đều có thể đồng lưu trên đất nước Việt. Nho, Lão, Phật đã đồng lưu hài hòa dưới đời Lý – Trần. Tính không cố chấp, cõi trống đó, mới là tụ điểm hóa giải được mọi đối nghịch. Đó là lực hút để dung hòa mọi sự. Chính tụ điểm đó, lực hút đó khiến cho người Việt có khả năng dung hòa và hóa giải mọi mâu thuẫn, đối nghịch của các luồng tư tưởng để tìm ra nét nhân bản, nhân chủ hầu phong phú hóa tư tưởng Việt.
4. Hiến chương tự do tư tưởng trong Đạo Sống Việt
Con người được hoàn toàn tự do muốn nghĩ gì, ước nguyện gì, mong mỏi gì tuỳ ý và sự việc sẽ hiện ra như thế. Không có chữ nên tư tưởng không bị giới hạn trong ngôn ngữ, trong một tư tưởng cố định. Không có chữ nên tư tưởng cũng không bị giới hạn trong một không gian hoặc thời gian nào. Không cố chấp nên tư tưởng dễ dàng thích nghi với mọi thời đại, mọi nhóm người, mọi xã hội. Đó là cõi lòng của người nông dân Việt.
Tự do là quyền tất yếu của con người, nhưng tự do phải được xây dựng trên nền tảng nhân bản, lấy nhân tính làm kim chỉ nam để tự thắng những dục vọng yếu hèn, để biết tôn trọng tự do của người khác hầu mang lại phúc lợi cho mình và người rồi từ đó mới mang lại được an vui, thái hòa cho nhân quần xã hội. Không thể có tự do đích thực mà không có bình đẳng. Cũng không thể có bình đẳng đích thực mà không có tự do. Dung hợp được tự do và bình đẳng thì tự do mới mang lại hạnh phúc, thái hòa cho mình, người và nhân loại.
Tự do tư tưởng là một nhân tố quan trọng trong diễn trình tiến hóa của tiến trình thăng hoa nhân tính. Tinh thần tự do đó được thấm nhuần vào dòng tâm thức dân tộc, phản ảnh trở lại dòng sống dân tộc, phát thành lời đã hình thành một hiến chế tự do tư tưởng và tự do ngôn luận:
Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
“Hiến chế” trên của tiền nhân Việt tuy ngắn gọn nhưng khá đầy đủ ý nghĩa. “Lời nói” diễn tả cảm nghĩ, tư tưởng của con người. Nhân loại đang sống trong gia đoạn đỉnh cao của thời kỳ kim bản: có tiền mua tiên cũng được. Tiền là Tiên là Phật, là sức bật con người, là cán cân công lý, v.v…
Sự tác quái của đồng tiền cực kỳ man rợ. Tiền là mẫu mực của phán xét: nén bạc đâm toạc tờ giấy. Mọi giá trị đều được lượng tính bằng tiền. Vậy mà “hiến chế tự do tư tưởng và ngôn luận” của nền văn hóa Việt đã xác định rõ ràng: lời nói chẳng mất tiền mua.
Điều này chứng tỏ tư tưởng của tiền nhân Việt đã vượt thoát bạo lực tàn khốc của đồng tiền, không lệ thuộc vào giới hạn trao đổi mua bán. Như vậy, tư tưởng và ngôn luận được tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ thành tố vật chất hoặc tinh thần nào.
Sống là tương giao. Trong mối tương giao đó có tương giao với người. Vì thế, lời nói phải là tác nhân tạo phúc lợi, an vui, thái hòa cho mình, người và nhân quần. Muốn được như vậy, con người phải “lựa lời mà nói”. Đây là tiến trình tự thắng mình khiến con người vượt thoát được bản năng sinh vật, tức là bước vào giai đoạn nhân tính thắng thú tính để nhân tính làm chủ tư duy, hành động và lời nói.
“Lựa lời mà nói” còn là tiến trình tham dự của trí tuệ và tình thương. Chỉ có trên tiến trình đó, lời nói mới xây dựng được trên cái chung để cùng thăng tiến. “Vừa lòng nhau” là biểu hiện của một nếp sống hài hòa: hòa cả làng. “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” đòi hỏi sự tham gia tích cực của trí tuệ và tình thương để ý thức được nguyên tắc giữ hòa khí trong tương giao: nói với ai, nói điều gì, nói cách nào, ai nói, nói lúc nào, nói ở đâu. Tập hợp này nếu thiếu sót, không đúng cách sẽ gây tai hại cho mình và người.
Lựa lời mà nói được chỉ dạy trong quá trình giáo dục nhân bản tâm linh:
học ăn, học nói, học gói, học mở.
Đó là cẩm nan dịch lý của dân tộc, cảm nhận chuyển tải từ Thiên Thư Vô Ngôn của Trời Đất.
5. Gậy Thần mang ý nghĩa nhân sinh đầy tinh thần nhân bản và nhân chủ của nền minh triết Việt, còn “Sách Ước không có chữ” lại nói lên được vũ trụ quan đặc thù của dân tộc. Đặc thù bởi lẽ biểu tượng của Sách Ước làm nổi bật mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên.
Thiên nhiên được tượng trưng bằng quyển Sách Ước không có chữ. Con người được đặc trung bằng sự ước nguyện. Phàm khi muốn thực hiện điều gì đó cho nhân quần xã hội tất phải có con người. Chính con người tạo ra hiện tượng sống để phục vụ con người. Trong một xã hội mà phần nhân tính trong con người được biểu lộ nhiều, tức nhân tính làm chủ tư duy, hành động và lời nói, xã hội ấy được an vui, thái hòa.
Trong một xã hội mà phần thú tính được tỏ lộ, con người sống trong xã hội này sẽ cưu mang hận thù, đau khổ. Vì thế, muốn thăng tiến xã hội thì phải thăng tiến con người và ngược lại. Khi con người ước muốn cải tạo thiên nhiên để phục vụ nhân sinh chẳng hạn thì trên một mảnh đất, con người trồng lúa hay trồng khoai thì mảnh đất sẽ trở thành ruộng lúa hoặc vườn khoai. Cũng trên mảnh đất đó, con người xây một nhà máy chế tạo vũ khí hoặc nhà máy chế biến bột mì thì mảnh đất ấy lại biến thành nhà máy theo ước muốn của con người.
Chúng ta nên ghi nhớ rằng làm chủ thiên nhiên có nghĩa là biết vận dụng những quy luật của thiên nhiên vào môi trường sống để phục vụ nhân sinh chứ không phải phá hoại thiên nhiên hay bắt thiên nhiên phải diễn biến theo ý muốn của con người. Con người phải biết thích nghi với thiên nhiên thì mới tồn tại và phát triển
Ở bầu thì tròn , Ở ống thì dài
Trong thiên nhiên thì luật tắc cứ như thế đó, vô thưởng, vô phạt. Nhưng đối với con người thì phân ra tốt, xấu, tuỳ theo tiêu chuẩn nhân sinh của con người trong xã hội đó. Mưa tốt với người làm ruộng lúa nhưng lại xấu đối với người làm ruộng muối. Nguyên liệu làm bàn đều lấy trong thiên nhiên, nếu muốn làm bàn gỗ thì lấy cây trong rừng, nếu muốn làm bàn đá thì lên núi lấy đá. Cây trong rừng và đá trên núi thì muôn đời vẫn thế, không có bàn tay con người thì không thể biến thành cái bàn được.
Bàn có thể hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật hay hình lục lăng tuỳ theo ý muốn của con người. Mặt khác, con người muốn dùng bàn làm bàn ăn, bàn viết, bàn trang điểm hay vào bất cứ mục đích nào khác tuỳ ý. Chỉ nhìn cái bàn chúng ta thấy ngay ba yếu tố liên quan mật thiết và không thể thiếu để tạo ra được cái bàn: thiên nhiên (nguyên liệu để làm bàn), con người (tư tưởng) và xã hội (cái bàn phục vụ cho nhu cầu của con người và xã hội). Vì thế, con người chính là trục nối liền từ thiên nhiên vào xã hội. Phải nhờ bàn tay và trí óc của con người, cây hoặc đá trong thiên nhiên mới biến thành cái bàn để phục vụ nhân quần xã hội.
Sách Ước không có chữ đã làm nổi bật trục người trong mối liên hệ giữa: Trời – Người – Đất. Đất ở đây là nơi xã hội loài người sinh sống. Trời ở đây là thiên nhiên với luật tắc vô thưởng, vô phạt chứ không phải ông Trời hoặc Thượng Đế hay Brahma, v.v…
Con người “đầu đội trời, chân đạp đất”, chiếm vị trí giữa trời và đất. Vì thế, con người chủ động mọi sinh hoạt liên quan đến bản thân, gia đình, xã hội và thiên nhiên. Nói cách khác, con người làm chủ bản thân, xã hội và thiên nhiên.
Phải chăng truyện Gậy Thần – Sách Ước đã nói lên được những điều vô cùng quan trọng vốn là ưu tư chung của loài người từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây:
- Con người biết vận dụng tâm trí để chuyển hóa không thành có nhằm phục vụ nhân quần xã hội. Không có con người thì không có gì cả: không có chính trị, văn hóa, kinh tế, tôn giáo, v.v… Và ngay cả vũ trụ này nếu không có con người thì cũng trở thành vô nghĩa vì có cũng như không.
- Chỉ có con người mới biết dùng trí tuệ và tình thương để vận dụng lý đối lập thống nhất của vũ trụ vạn vật vào xã hội loài người để tồn tại và phát triển hài hòa, tạo điều kiện thuận lợi để con người và cuộc sống ngày càng thăng hoa với định hướng con người tương thông với vũ trụ.
Biết là công cụ của sống: Khôn cũng chết, Dại cũng chết, Biết thì sống.
Sống – Làm – Biết, Biết – Làm – Sống hợp nhất.
- Đường sống của con người là “nhân đạo” trong tinh thần nhân bản, nhân tính và nhân chủ trên nền tảng lý đối lập thống nhất. Lịch sử loài người đã minh chứng điều gì trái với nhân bản, nhân tính và nhân chủ thì sớm muộn gì cũng bị đào thải. Chính tiến trình đấu tranh để bảo vệ và phát huy nhân đạo làm cho bánh xe lịch sự chuyển động chứ không phải do duy tâm, duy vật, duy linh hoặc duy sinh.
Như vậy, con người phải đứng trên lập trường người khi giải quyết những vấn nạn của loài người. Lấy con người làm gốc cho mọi sinh hoạt của đời sống (nhân bản), con người phải tự làm chủ lấy chính mình (nhân chủ) để phát huy nhân tính hầu con người không làm nô lệ cho tiền tài, dục vọng hoặc ý thức hệ.
- Liên hệ giữa người với người, người với thiên nhiên là liên hệ hài hòa: hài hòa thân tâm để tạo điều kiện cho sự chuyển hóa tâm thức, hài hòa giữa người với người để chung sống hòa bình, hài hòa giữa người với thiên nhiên để con người cùng vũ trụ hòa.
Tóm lại, có thể nói rằng truyện Gậy Thần – Sách Ước, biểu tượng cho vũ trụ quan vô nguyên (Sách Ước) và nhân sinh quan nhân bản (Gậy Thần), là thông điệp hàm chứa những tinh hoa của triết lý sống Việt, trong tiến trình thể hiện nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi để thăng hoa cuộc sống và con người với định hướng con người tương thông với vũ trụ.
Sư tầm & Tổng hợp