Kinh Dịch là gì? Dịch Lý là gì?
Kinh Dịch là gì? Hiểu đơn sơ sơ là Sách về Dịch, Sách về Sự Dịch Chuyển có đúng không?
“Dịch” không chỉ đơn giản là sự chuyển động và biến hóa của các quẻ. Có thể hiểu “Dịch” là biểu thị cho quá trình phát triển của mọi sinh mệnh, vạn sự vạn vật trong vũ trụ bao la này, từ lúc khởi nguyên cho đến lúc kết thúc; tuần hoàn theo một quy luật trong cái quy luật lớn nhất gồm hết thảy mọi thứ trong vũ trụ – chính là cái mà Lão Tử gọi là Đạo, Phật gọi là Pháp.
“Kinh” có thể hiểu là lời dạy bảo của Thần Phật, Thánh Nhân, để chuyển hóa cho con người, để con người thông qua đó kiên trì tu học và khám phá ra bí ẩn của nhân sinh, để tịnh tâm trước những sự biến đổi (vô thường).
Kinh Dịch Là Gì?
Người mới tìm hiểu Kinh Dịch thường là với lòng tham cầu biết trước, và cũng bị nghe đồn là:…
- Biết dịch là thông thiên hạ.
- Biết lượng thiên xích là thông hết mọi điều.
- Biết kỳ môn là thâu tóm mọi vật trong thiên hạ.
- Biết phong thủy là cải số cả dòng họ.
- Biết y thuật chữa được mọi bệnh tật.
- Cuối cùng ta chả biết cái gì hết. ^^
… rồi thì đọc được vài trang sách mà chẳng hiểu gì cả thế rồi xếp sách bỏ đó. Số khác học được vài lớp gieo quẻ, phán mấy lần đúng thành người kêu ngạo… Rồi dòng đời đưa đẩy họ hành nghề bói toán đúng đúng sai sai… Người đời nhìn vào cứ nghĩ xem Kinh Dịch là xem bói và từ Bói Dịch ra đời.
Trong video trên tôi có đôi lời về Kinh Dịch và cách tự học kinh dịch.
Còn Dịch Lý có phải là Lý lẻ của sự Dịch chuyển… phải vậy không?
Trích tài liệu Dịch Lý Việt Nam
Dịch Lý chẳng những hiện diện trong tất cả mọi ngành học thuật, dù là đã qua, dù là chưa đến và cho đến muôn đời mãi mãi về sau, tất cả mọi ngành học-thuật bất kể hữu-hình hay vô-hình, nhân-tạo hay thiên-nhiên, con người hay muôn loài vạn-vật đều được và bị Dịch-Lý hiện diện chi phối từng giây, từng phút một không sao tránh khỏi được. Vậy Dịch Lý là cái gì mà kỳ cục thế, tôi xin giải nghĩa:
– Dịch là Biến đổi, Biến-hoá. Lý là lý lẽ thuộc về phạm vi Manh-Nha Vô-Hữu. Vậy thì Biến-Hoá là cái Lý lẽ có thật trong muôn đời và khắp mọi nơi, là Chân-Lý. Hễ đã gọi là lẽ thật thì Lẽ ấy phải có thật từ lúc chưa có Trời Đất đến nay và từ nay đến mãi mãi về sau trong muôn đời và khắp mọi nơi, Lẽ ấy phải có thật mới xứng danh là Chân-Lý.
– Quý vị và các bạn hãy bình tâm thử đặt câu hỏi và suy xét lại kể từ trong thâm tâm sâu kín lặng lẽ, tận trong cõi lòng mình, cho đến bao la rộng lớn bên ngoài, xem coi có cái gì là không Biến-Hóa, không biến đổi, không thay đổi, không luân chuyển, không xê dịch không?? Nếu tất thảy đều Biến-Hoá thì Biến-Hoá là cái Lẽ có thật, lẽ thật trong tất cả, bất kể không-gian, thời-gian nào.
– Khi chúng ta nói đến Chân-Lý tức là muốn nói đến cái lý lẽ hằng có thật trong muôn đời và muôn nơi, bất chấp ý riêng của con người hoặc ý riêng của muôn loài vạn-vật. Người xưa đã định-nghĩa DỊCH như sau: “DỊCH, BIẾN-DỊCH DÃ. BIẾN DỊCH BẤT DỊCH DÔ. Tạm hiểu: Dịch, nghĩa là Biến-Dịch, còn cái lẽ Biến-Dịch thì không làm sao còn Biến đổi được nữa đó vậy. Nói như thế có nghĩa là cái lẽ Biến-Dịch thì hằng có mãi mãi khắp nơi và muôn đời. Nó chính là Chân-lý, là lẽ có thật đó vậy.
– Khi chúng ta đi tìm học Dịch-Lý tức như chúng ta bước chân vào con đường truy tầm Chân-Lý, vì Dịch-Lý là Chân-Lý. Khi đã là Chân-Lý thì nó phải có tính khắp cùng, nơi nào cũng có, chỗ nào cũng có và thời nào cũng đúng. Đúng cả cho vô-hình lẫn hữu-hình, đúng cả ở quá khứ hiện tại lẫn vị-lai, đúng cả ở chỗ cao nhất lẫn thấp nhứt, chỗ thanh khiết nhất lẫn chỗ dơ dáy nhất, đúng cả chỗ thiện nhất lẫn chỗ ác nhất, đúng ở xã-hội loài người thì cũng phải đúng cả ở xã-hội muôn loài đã qua và chưa đến.
– Nếu cái lẽ Biến-Hoá chưa có, thì linh-động, mầu nhiệm và huyền diệu cũng sẽ chưa có, Vũ-Trụ, Trời-Đất, con người cũng chưa có, nhưng hiện nay, cơ-nghiệp Tạo-Hoá đã dẫy đầy.
– Với tính cách khắp cùng đó, Dịch-Lý không thể giới hạn riêng trong một phạm-vi nào, một biên-cương nào, bởi thế, nên xưa kia có người đã nói “Thần vô phương nhi Dịch vô thể” là thế. Có nghĩa là Thần không phương sở, Dịch không hình bóng. Biết như vậy, chúng ta sẽ không lấy làm ngạc-nhiên, thắc-mắc trước một câu nói tuy có vẻ quái gở nhưng lại quá đúng như sau: DỊCH KHÔNG LÀ GÌ CẢ MÀ DỊCH LÀ TẤT CẢ.
– Bởi vì tất cả đều Biến-Hoá, bất kể vô-thể hay hữu-thể. Và chúng ta cũng không lấy làm lạ gì khi các ngành học tập xưa nay đều tự nhận là thân thuộc với Dịch-Lý hay từ gốc Dịch-Lý mà ra. Mặc dầu sự tự nhận đó có khi chưa Chính-danh và Chính-lý của Dịch.
Chúng ta vừa trải qua một thời-gian khá dài chính-ý và chính-nghĩa tức như để chính danh và chính lý cho hai chữ Dịch-Lý. Vậy, chúng ta hôm nay có quyền hy-vọng: Vấn đề Dịch-Lý sẽ không còn bị hay được hiểu lệch lạc một cách thật thà riêng qua bất cứ một cặp kiếng mầu nào chật hẹp nữa.
Bởi vì Dịch-Lý là lý lẽ Biến-Hoá không giây phút ngừng nghỉ, chi phối muôn loài vạn-vật, bất kể vô-hình hay hữu-hình, bất kể không-gian thời-gian nào.
Dịch-Lý cũng chẳng phải độc-quyền của riêng một dân-tộc nào, một cá-nhân nào cả.